[5/11]: Các Loại Thức Ăn Nuôi Ốc Bươu Đen (Ốc Nhồi)

Ở bài trước mình đã giới thiệu với các bạn về cách ương trứng ốc nhồi và dưỡng ốc con trước khi thả ra ao, bể bạt để nuôi thương phẩm. Ở bài này mình sẽ giới thiệu với các bạn về các loại thức ăn phổ biến để nuôi ốc nhồi.

Nuôi ốc nhồi (ốc bươu đen) có cái khó thứ nhất là kỹ thuật nuôi, cái khó thứ 2 chính là nguồn thức ăn cho ốc. Ở mỗi giai đoạn khác nhau cần cho ốc ăn mỗi loại thức ăn khác nhau. Ở giai đoạn ốc giống thì ốc còn yếu, chỉ ăn được các loại thức ăn mềm nhưng giàu chất dinh dưỡng, phổ biến nhất là bèo tấm, bèo cám, bèo tấm tía.. Ốc con cũng có thể ăn được bầu, mướp, nhưng chỉ như thế sẽ không đủ dinh dưỡng để cho ốc phát triển tốt nhất. Vậy nên để ốc con được khỏe mạnh lớn nhanh thì nhất định phải có bèo tấm. Sau đó, sau khi ốc lớn thì sao? Ốc lớn sẽ đòi hỏi lượng thức ăn mỗi này là rất nhiều, vì thế sẽ không đủ bèo tấm cho ốc ăn được mà cần phải bổ sung thêm các nguồn thức ăn khác, cụ thể mình sẽ giới thiệu bên dưới đây.

1. Bèo tấm, bèo cám.

"Bèo tấm chứa 20 đến 35% protein, 4 đến 7% chất béo (bao gồm chủ yếu là a xít béo không bão hòa đa) và 4 đến 10% tinh bột. Nó được coi là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất trên thế giới, có chứa a xít béo omega-3 có giá trị, như a xít stearidonic và a xít alpha-linolenic". Đây là một đoạn mình trích dẫn trong một bài báo mà bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy khi tìm kiếm với từ khóa "thành phần dinh dưỡng của bèo tấm".

Với một hàm lượng Protein rất cao lại chứa thêm nhiều chất dinh dưỡng khác, bèo tấm hoàn toàn có thể thay thế cho tất cả các loại thức ăn khác khi nuôi ốc.

Ngoài ra bèo tấm rất mềm và dễ tiêu hóa nên rất thích hợp để nuôi ốc con.

2. Lá sắn (lá mì).

"Lá khoai mì chứa: Protein thô 20.6-36.4%, chất béo 1.67%, nito 1.183%, sợi 2.1%, tro 1.46%, sắt 5.46 mg%, 89mg% HCN caroten, thiamin, riboflavin, niacin.. Phần lá còn có đầy đủ các acid amin cần thiết, giàu lysin.."

Lá khoai mì là loại lá chuyên được dùng để nuôi cá từ xưa đến nay do có độ đạm cao. Lá mì cũng rất mềm nên ốc rất thích ăn. Tuy nhiên loại lá này nếu cho ăn quá nhiều, ốc ăn không hết dẫn đến dư thừa ngày này sang ngày khác dễ dẫn đến thối rữa và làm hư nước. Vì vậy mọi người cần cho ốc ăn chỉ vừa đủ thôi, tránh để lại dư thừa, nếu có dư thừa thì sang ngày hôm sau phải vớt bớt lên bỏ đi để tránh gây thối nước.

3. Lá hoa sen, hoa súng.

Lá sen, lá súng chứa hàm lượng đạm khá cao, từ 14 - 20%, do đó đây cũng là một loại thức ăn rất giàu dinh dưỡng cho ốc.

Nếu bạn trồng bông súng làm thủy sinh cho ao ốc thì khi lá súng già và úa mềm thì ốc sẽ ăn, đặc điểm của nó là không làm dơ nước nên mọi người hoàn toàn có thể yên tâm.

Vì lá tươi có vị chát và cứng nên ốc rất ít ăn. Vậy nên bạn cũng có thể cắt lá tươi đem đi phơi héo rồi cho ốc ăn.

4. Các loại môn.

"Giá trị dinh dưỡng của lá khoai môn, theo Boldsky: 100 g lá khoai môn thô chứa 85,66 g nước và 42 kcal (năng lượng). Chúng cũng chứa 4,98 g protein, 0,74 g tổng lipid (chất béo), 6,70 g carbohydrate, 3,7 g chất xơ, 107 mg canxi, 2,25 mg sắt, 45 mg magiê, 60 mg phốt pho, 648 mg kali, 3 mg natri, 0,41 mg kẽm, 52,0 mg vitamin C, 0,209 mg thiamine, 0,456 mg riboflavin, 1,513 mg niacin, 0,146 mg vitamin B6, 2.02 mg vitamin E".

Có nhiều loại môn như môn nước, môn ngọt, môn bạc hà (dọc mùng), các loại môn ăn củ. Và hầu như loại nào cũng có thể lấy lá cho ốc ăn được. Đối với môn ngứa thì bạn nên cắt, phơi héo đi rồi mới cho ốc ăn, như vậy sẽ làm bớt nhựa môn và ốc sẽ dễ ăn hơn.

Đặc điểm của lá môn là không thấm nước nên hầu như sẽ không làm dơ nước nếu như ốc ăn không hết trong vài ngày, vậy nên đây là loại thức ăn rất an toàn cho ốc.

5. Bí, bầu, mướp.

- Bí đỏ. Trong các loại quả chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bí đỏ được xếp ở vị trí đầu tiên. Trong bí đỏ có chứa sắt, kali, photpho, nước, protein thực vật, gluxit,… các axit béo linoleic, cùng các vitamin C, vitamin B1, B2, B5, B6, PP, beta caroten (tiền chất của vitamin A).

- Bầu. Trong 100g quả bầu chứa: 95% nước, 21% calcium, 25% phosphor, 2.9% glucid, 1% cellulose, 0.2 mg sắt, 0.5% protid; cùng các loại vitamin như: 0.03 mg B2, 0.02 mg caroten, 12 mg C, 0.40 mg PP và 0.02 mg B1.

- Mướp. Cứ 100g phần ăn được có 0,8 - 1,2g protein; 0,2 lipit; 3,04g gluxít, các vitamin: caroten (tiền sinh tố A) vitamin C, B1, B2, B3, PP. Các chất khoáng canxi, phốt pho, sắt.

6. Các loại rau.

Bạn cũng có thể cho ốc ăn các loại rau như rau muống, rau lang, xà lách.. Các loại rau này bạn có thể tự trồng hoặc dễ dàng mua được với giá rẻ ngoài chợ để về cho ốc ăn.  Tuy nhiên sẽ có một số loại rau rất nhanh bị thối sẽ làm hư nước, vậy nên bạn phải chọn lọc, thử nghiệm ngâm nước từng loại, và cho ăn ở mức vừa đủ thôi để tránh dư thừa.

- Rau muống. Trong 100g rau muống bao gồm nguồn dinh dưỡng sau:N ăng lượng: 29 calo.P rotein: 3g. Sắt: 2.5mg. Chất xơ: 1mg. Chất béo: 0.3mg. Carbs: 5.4mg. Canxi:73mg. Phốt pho: 50mg. Vitamin A: 6300IU. Vitamin B1: 0.07mg. Vitamin C: 32mg. Nước: 89.7g.

- Rau lang. Cứ trung bình 100g rau lang thì gồm có các chất dinh dưỡng như: Năng lượng: 22kcal. Nước: 91,8g. Protein: 2,6g. Tinh bột: 2,8g. Vitamin C: 11mg. Vitamin BB: 900mg. Nhiều chất khoáng như: 48mg canxi, 2,7mg sắt, 54mg phốt pho,…

7. Trái cây.

Một số loại trái cây có thể cho ốc ăn được như: Mít, ổi, bơ, chuối, cà chua..

Bạn nên cho ốc ăn hạn chế trái cây thôi vì trái cây sẽ dễ thối và làm dơ nước, có thể làm cho ốc bị bệnh đường ruột hoặc sưng vòi. Bạn nên kết hợp ngâm vi sinh trước khi cho ốc ăn để hạn chế dơ nước.

8. Cám viên.

Cuối cùng là cám viên. Đây là loại thức ăn phổ biến cho cá nhưng lại ít được dùng cho nuôi ốc, bởi vì cám viên nhanh tan rã ra nước và làm dơ nước trong khi ốc lại ăn rất chậm.

Cám viên thường được mọi người sử dụng để trộn thêm Vitamin C và khoáng để cho ốc ăn định kỳ.

Nếu trong trường hợp nguồn thức ăn của bạn bị hạn chế thì cũng có thể mua cám viên về cho ốc ăn tạm. Lưu ý là mỗi lần chỉ cho ăn ít thôi tránh để dư thừa qua ngày sẽ gây dơ nước rất nhanh. Bạn cũng có thể ngâm cám viên với vi sinh trước khi cho ăn để hạn chế dơ nước.

Kết luận.

Trên đây mình đã giới thiệu cho các bạn về các loại thức ăn phổ biến để nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) rồi. Đối với ốc con thì quan trọng nhất vẫn là phải có bèo tấm, sau khi ốc đã đủ lớn rồi thì mới "bổ sung thêm" các loại thức ăn khác.

Dù là loại thức ăn nào thì mọi người cũng cần cho ăn vừa đủ hoặc thiếu một chút cũng không sao, tránh cho ăn dư thừa dễ gây thối nước và làm ốc sinh bệnh.

Nếu bạn cần mua trứng ốc bươu đen (ốc nhồi) thì có thể liên hệ với mình nhé: 0367971656 (zalo). Nếu bạn ở xa thì mình có thể gửi hàng qua bưu điện.

Ở bài sau mình sẽ giới thiệu cho các bạn về việc bổ sung khoáng cho ốc nhồi, đây là một trong 2 vấn đề quan trọng nhất để cho ốc nhanh lớn và hạn chế mòn vỏ, chai vỏ. Hẹn gặp lại các bạn.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bán trứng ốc nhồi, ốc nhồi giống (ốc bươu đen) Đắk Lắk

Kỹ Thuật Nuôi Ốc Nhồi [1/11]: Nên Chọn Bể Bạt Hay Ao Đất?

[11/11]: Đầu Ra Cho Ốc Bươu Đen (Ốc Nhồi)