[7/11]: Sử Dụng Vi Sinh Trong Nuôi Ốc Bươu Đen (Ốc Nhồi)

Xin chào các bạn, ở bài trước mình đã giới thiệu xong cho các bạn về việc bổ sung khoáng cho ốc bươu đen (ốc nhồi) rồi, tiếp theo đây mình sẽ giới thiệu cho các bạn về vi sinh và cách sử dụng vi sinh trong nuôi ốc là như thế nào nhé.

Vi sinh là gì?

Vi sinh là những sinh vật đơn bào hoặc đa bào có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể quan sát dưới kính hiển vi. Trong xử lý các vấn đề về môi trường, vi sinh đóng góp nhiều mặt rất tích cực. Do đó, vi sinh được ứng dụng rộng rãi trong: xử lý nước thải, xử lý mùi hôi, xử lý dầu mỡ và chất hữu cơ,... Và những sản phẩm đó còn gọi là chế phẩm vi sinh.

Các chế phẩm vi sinh đang được bán trên thị trường thường ở dạng bột (chế phẩm EM), là hỗn hợp các vi sinh vật thuộc các chi: Bacillus sp., Saccharomyces sp. (nấm men), Lactobacillus sp., Actinomyces ... có khả năng phân giải mạnh cellulose, tinh bột, kitin, protein, lipid... khử mùi hôi thối, đồng thời sinh ra các hoạt chất có lợi cho môi trường. Có khả năng sinh chất kích thích sinh trưởng thực vật, sinh chất kháng sinh, chuyển hóa lân khó tiêu thành dễ tiêu và xử lý nước thải.

Tại sao cần phải sử dụng vi sinh trong nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi)

Như đã đề cập ở trên, chế phẩm vi sinh là một hỗn hợp các vi sinh vật có lợi, sử dụng vi sinh trong việc nuôi ốc sẽ có những tác dụng như sau:

- Phân hủy phân ốc và thức ăn dư thừa trong ao. Trong việc nuôi ốc, khi ốc càng lớn thì sẽ ăn càng nhiều, do đó phân ốc sẽ ngày càng nhiều và có thể sinh ra vi khuẩn gây bệnh cho ốc. Và khi cho ăn, những thức ăn dư thừa ốc ăn không hết cũng sẽ thối rữa và làm hư nước. Do đó việc sử dụng vi sinh là vô cùng cần thiết, nó có thể dễ dàng phân hủy phân ốc và những thức ăn dư thừa, tránh làm cho nước bị hư và phòng ngừa các loại sinh khuẩn gây bệnh có cơ hội phát triển. Các chủng vi khuẩn có lợi tham gia sử dụng và phân hủy các hợp chất hữu cơ như: Bacillus sp., Nitrobacter sp., Nitrosomonas sp., Clostridium sp, Lactobacillus sp, L.acidophillus, Streptococcus sp., Sacharomyces sp…

- Tốt cho hệ tiêu hóa của ốc nhồi. Nhóm vi sinh vật sống như vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, Lactobacillus, Saccharomyces... thường dùng trộn vào thức ăn, giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột, tăng cường chuyển hóa và hấp thu thức ăn, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của ốc.

- Xử lý nước, khử mùi nước, làm sạch nước. Nhóm các vi sinh cải thiện chất lượng môi trường như vi khuẩn Nitrosomonas, Nitrobacter, Actinomyces, Bacillus, Rhodobacter sp, Rhodospirillum, Rhodopseudomonas viridis... dùng xử lý nước ao và nền đáy. Trong đó, một số chủng vi sinh vật sẽ làm tăng hàm lượng oxy, ổn định pH, phân hủy mùn bã hữu cơ, khử phèn, diệt tảo độc.

- Tạo hệ vi sinh có lợi, cạnh tranh làm giảm bớt vi sinh có hại trong ao. Nhóm các vi khuẩn có tính đối kháng hoặc cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Bacillus licheniformis, Bacillus sp... được dùng cải thiện nền đáy ao nuôi, cạnh tranh mạnh mẽ chất dinh dưỡng, năng lượng và giá thể với các loài vi khuẩn có hại, tảo có hại từ đó làm ổn định chất lượng nước và nền đáy trong ao nuôi.

- Một số vi sinh có thể tiết ra kháng thể (kháng sinh) giúp phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng cho ốc. Xạ khuẩn Streptomyces là loài có thể tiết ra kháng sinh giúp kìm hãm hoặc tiêu diệt một số loài vi khuẩn gây bệnh trong ao, và làm tăng thêm sức đề kháng cho ốc.

Cách sử dụng vi sinh trong nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi)

Để sử dụng vi sinh trong nuôi ốc, việc đầu tiên cần làm đó là nhân sinh khối vi sinh. Có thể sử dụng ngay vi sinh mà không cần nhân sinh khối, tuy nhiên việc này sẽ gây ra lãng phí và tốn kém. Cách nhân sinh khối vi sinh sẽ như sau:

- Bước 1: Mua vi sinh gốc (EM gốc) có thể dạng bột hoặc dạng nước. Nên mua ở nhà sản xuất có uy tín tránh mua phải các hàng kém chất lượng đang trôi nổi trên mạng. Loại mình đang sử dụng là Emzeo gói 200g.

- Bước 2: Chuẩn bị 1 thùng nhựa, can nhựa 20l có nắp đậy, 2 lít mật rỉ đường.

- Bước 3: Hòa tan 1 gói Emzeo + 2l mật rỉ đường + 17l nước sạch. Sau đó đổ vào thùng  can nhựa và đậy nắp lại. Lưu ý là nắp đậy không được kín quá, vẫn nên đậy hơi lỏng để khí bên trong có thể thoát ra được, vì quá trình vi sinh lên men sẽ sinh ra khí, nếu đậy quá kín có thể làm nổ tung nắp thùng.

- Bước 4: Sau khoảng 5 - 7 ngày ủ là vi sinh đã có thể sử dụng được rồi, ta gọi nó là EM2 (EM thứ cấp).

Sau khi đã nhân sinh khối được vi sinh vậy thì sử dụng nó như thế nào?

-  Trộn vào thức ăn cho ốc ăn, có thể là cám viên để bổ sung vi sinh đường ruột cho ốc.

- Dùng để ngâm rau củ quả trước khi cho ăn để hạn chế rau quả bị thối rửa gây dơ nước.

- Dùng để hòa nước và tạt xuống ao định kỳ. Bạn có thể dùn 1 - 2l EM2 hòa với 20l nước ao rồi tạt đều xuống ao nuôi, định kỳ 5 - 10 ngày 1 lần.

Kết luận.

Như vậy mình đã giới thiệu xong cho các bạn về vi sinh và cách sử dụng vi sinh trong nuôi ốc bươu đen (ốc nhồi) rồi.

Vi sinh rất quan trọng và có nhiều lợi ích nhưng cũng không nên lạm dụng nó, không nên sử dụng quá nhiều, và đặc biệt nên hạn chế sử dụng đối với ốc con. Việc có quá nhiều vi sinh trong ao sẽ làm nước thiếu đi oxy, rất ảnh hưởng đến hô hấp của ốc, đặc biệt là ốc con, ốc giống. Để cho an toàn bạn chỉ nên sử dụng vi sinh khi ốc đã đạt cỡ ngón tay trở lên.

Mình có bán trứng ốc nhồi (ốc bươu đen) nhé, nếu bạn có nhu cầu thì vui lòng liên hệ qua sđt: 0367971656 (zalo). Mình ở Đắk Lắk, và có gửi hàng đi khắp các tỉnh thành trên cả nước qua đường bươu điện nhé.

Ở bài sau mình sẽ nói về việc vệ sinh ao và thay nước định kỳ cho ao ốc. Hẹn gặp lại các bạn.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Bán trứng ốc nhồi, ốc nhồi giống (ốc bươu đen) Đắk Lắk

Kỹ Thuật Nuôi Ốc Nhồi [1/11]: Nên Chọn Bể Bạt Hay Ao Đất?

[11/11]: Đầu Ra Cho Ốc Bươu Đen (Ốc Nhồi)